Bài học thành công

6 cách quản lý tài chính dễ dàng bằng lý thuyết cú hích

6 cách quản lý tài chính dễ dàng bằng lý thuyết cú hích

Nếu bạn đang cảm thấy quản lý tài chính cho cá nhân mình là công việc khó khăn, hãy vận dụng ngay lý thuyết cú hích.

Xuất hiện và dần trở nên phổ biến từ năm 2008, lý thuyết về cú hích (Nudge Theory) là thuật ngữ trong kinh tế học hành vi do GS. Richard H. Thaler – chủ nhân của giải Nobel kinh tế 2017 và học giả pháp lý Cass R. Sunstein đặt ra.

Theo lý thuyết này, các hoạt động củng cố tích cực và những đề xuất gián tiếp sẽ gây ảnh hưởng đến hành vi cũng như khả năng ra quyết định của một nhóm hoặc cá nhân.

Một trong những ví dụ phổ biến nhất để minh họa cho cú hích là trường hợp đặt miếng dán hình con ruồi trên đáy bồn tiểu cho nam. Đầu những năm 1990, Aad Kieboom – quản lý vệ sinh tại sân bay Schiphol của Amsterdam (Hà Lan) đã nảy ra ý tưởng dán hình ảnh một con ruồi vào trong bồn tiểu nam, ngay gần miệng thoát nước, nhằm giảm tình trạng nước “văng lung tung”.

Vậy tại sao lại là ruồi? Vì ruồi có kích cỡ nhỏ và phiền phức, nhưng không đáng sợ như nhện – con vật có thể gây “tác dụng ngược”. “Ruồi đi đôi với sự mất vệ sinh, nhưng đó cũng là lý do không ai cảm thấy tội lỗi khi nhắm vào nó”, Kieboom nói.

Theo đó, khi các đấng mày râu đi vệ sinh, họ đã dồn sự chú ý vào miếng dán con ruồi và nó vô hình trung đã trở thành “mục tiêu nhắm bắn” họ. Kết quả là lượng nước tiểu tràn ra ngoài đã giảm đến 80%. Kieboom ước tính điều này giúp giảm 8% tổng chi phí dọn dẹp phòng vệ sinh tại sân bay. Kể từ đó, những chú ruồi tí hon đã bắt đầu xuất hiện tại các phòng vệ sinh trên khắp thế giới.

GS. Thaler gọi hình ảnh con ruồi trong bồn tiểu là minh họa yêu thích của ông cho một “cú hích”. Cụ thể hơn, trong quyển Cú hích nổi tiếng của mình, Thaler và Sunstein đã định nghĩa nó là một lựa chọn làm “thay đổi hành vi của con người theo cách có thể dự đoán được mà không ngăn cản bất kỳ lựa chọn nào khác hoặc thay đổi đáng kể các động lực kinh tế của họ”.

Lý do vì trong một môi trường nhất định, con người có khuynh hướng đưa ra các quyết định dựa trên lối mòn suy nghĩ của bản thân. Như vậy, thông qua việc tạo ra một số điều chỉnh nhỏ với môi trường, những người hành động thông qua lối mòn suy nghĩ sẽ có thể đưa ra quyết định tốt hơn trong môi trường mới.

Điều quan trọng về những cú hích là chúng không mang tính võ đoán hay bắt buộc. Đồng nghĩa, cú hích không ngăn cản chủ thể trước hành vi sai trái, mà thay vào đó giúp chủ thể làm điều đúng dễ dàng hơn.

Trong trường hợp của con ruồi trên bồn tiểu, nếu quyết định làm giảm lượng nước “văng lung tung” bằng chính sách nghiêm cấm hoặc phạt, chi phí thực hiện có thể rất lớn và đồng thời tranh cãi về việc vi phạm quyền riêng tư cũng có thể xảy ra. Trong khi đó, những con ruồi vô hại được sử dụng làm mục tiêu ngắm bắn, vốn vô cùng đơn giản, lại phát huy được hiệu quả. Và nguyên lý tương tự cũng có thể được áp dụng cho bất kỳ quyết định nào khác.

Do đó, nếu vận dụng tốt lý thuyết cú hích, thì việc quản lý tài chính vốn khó khăn đối với nhiều người, có thể trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Trên thực tế, có thể xem chế độ lương hưu là một trong các giải pháp vận dụng cú hích, khi nó giúp chủ thể ra quyết định tốt hơn, tránh được việc phải đấu tranh tư tưởng lẫn cám dỗ của việc chi tiền, vì ngay từ đầu đã loại bỏ cơ hội tiếp cận của chủ thể với số tiền đó.

Bên cạnh đó, bạn có thể tạo ra một số cú hích đơn giản như sau:

1. Tự nhắc nhở mục tiêu bằng mật khẩu
Thay vì dùng nhận diện khuôn mặt hoặc dãy số cho ứng dụng quản lý tài chính hay tài khoản ngân hàng, hãy đặt mật khẩu là mục tiêu tiết kiệm trong 1 hoặc 1,5 năm tới. Ví dụ, nếu đang có kế hoạch du lịch châu Âu vào năm sau, hãy đặt mật khẩu là “EU2024!” hoặc “CHAUAU24!”. Như vậy, với mỗi lần đăng nhập, bạn lại được nhắc nhở về mục tiêu của mình, qua đó giúp giảm khả năng sử dụng khoản tiết kiệm cho việc khác.

2. Định danh cho tài khoản tiết kiệm
Việc dán nhãn định danh tài khoản tiết kiệm tùy theo mục tiêu của khoản tiền cũng có thể là một cú hích tốt. Đồng thời, bạn có thể lập nhiều tài khoản phụ với tên gọi như chi phí đi học, giải trí, quà tặng… Điều này không chỉ giúp lập ngân sách cho các chi phí ngoài kế hoạch, mà còn làm giảm tổng số tiền có trong mỗi tài khoản, qua đó tạo ra cảm giác bạn có ít tiền hơn và nhờ vậy khiến chúng ta cảm thấy như thể bản thân có ít thứ để chi tiêu hơn.

3. Tự động chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm
Vì cú hích được xây dựng dựa trên tiền đề rằng con người thường theo lối mòn mà lựa chọn thứ dễ dàng nhất với bản thân, thay vì lựa chọn thông minh nhất, nên bạn càng ít phải ra quyết định thì càng tốt. Nếu hằng tuần phải nhớ chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm thì nhiều khả năng bạn sẽ quên, hoặc sẽ nghĩ ra lý do để tự thuyết phục bản thân không chuyển. Do đó, bạn cần tìm cách để tự động chuyển tiền vào tài khoản nếu muốn tiết kiệm hiệu quả.

4. Tuân thủ nguyên lý Pareto (80/20)
Bạn có thể biến quy tắc này thành một cú hích và kết hợp nó với cách số 3. Cụ thể, bất luận thu nhập của bạn là bao nhiêu, hãy sống bằng 80% và tự động tiết kiệm hoặc đầu tư 20%. Nếu không thể sống với 80%, hãy cân nhắc giảm bớt chi phí hoặc bỏ thứ gì đó.

5. Chọn bạn mà chơi
Để giảm bớt việc “vung tay quá trán” trong những dịp vui vẻ, bạn có thể cân nhắc xem bản thân nên đi chơi cùng ai. Cú hích này nhằm loại bỏ trở ngại, vì bạn hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng bởi thói quen chi tiêu của bạn bè.

6. Nhắc lịch mua quà trước 1 tháng
Đối với các món quà định kỳ cho người khác, hãy đặt lịch nhắc nhớ trước 1 tháng. Điều này sẽ giúp bạn có thời gian suy nghĩ, lên kế hoạch và mua được món quà bản thân ưng ý, thay vì rơi vào tình trạng “cuống cuồng” do sực nhớ ra rồi rốt cục chi nhiều hơn cho món quà không tốt bằng.

Ngoài những cách nêu trên, bạn có thể tự tạo thêm nhiều cách khác để quản lý tài chính, miễn là chúng thỏa mãn với nguyên lý của lý thuyết cú hích.

Theo DNSG

Post Comment